1. Thế nào là khám bảo hiểm y tế đúng tuyến, trái tuyến, vượt tuyến, thông tuyến
1.1. Khám bảo hiểm y tế đúng tuyến
Theo Điều 11 Thông tư 40/2015/TT-BYT về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, các trường hợp được xác định là đúng tuyến khám, chữa bệnh BHYT bao gồm:
- Người có thẻ BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu.
- Đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã chuyển tuyến đến bệnh viện huyện.
- Trường hợp khám, chữa bệnh chuyển tuyến.
- Trường hợp cấp cứu.
- Trường hợp người bệnh được chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh có bệnh khác kèm theo, bệnh được phát hiện hoặc phát sinh ngoài bệnh đã ghi trên giấy chuyển tuyến, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi tiếp nhận người bệnh thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh đó trong phạm vi chuyên môn.
Theo quy định thì khi khám đúng tuyến những đối tượng này sẽ được hưởng mức bảo hiểm y tế cao và hợp lý nhất.
1.2. Khám bảo hiểm y tế trái tuyến
Khám bảo hiểm y tế trái tuyến là trường hợp không khám, chữa bệnh đúng tuyến như quy định nêu trên. Tuy nhiên mặc dù đến cơ sở khám chữa bệnh không đúng với nơi đã đăng ký ban đầu, nhưng cơ sở đó cùng cấp (cùng cấp xã, huyện, tỉnh). Khi đối tượng đến khám bảo hiểm y tế trái tuyến nhưng cùng địa bàn tỉnh thì vẫn được hưởng như trường hợp đúng tuyến theo Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế đã quy định. Ví dụ trường hợp đăng ký khám chữa bệnh tại bệnh viện A (hạng III) thuộc tuyến huyện nhưng đi khám tại bệnh viện B (hạng III) cũng thuộc tuyến huyện trong Tỉnh đó thì gọi là khám bảo hiểm y tế trái tuyến (trường hợp này vẫn được hưởng như trường hợp đúng tuyến).
1.3. Khám bảo hiểm y tế vượt tuyến
Khám bảo hiểm y tế vượt tuyến là trường hợp đối tượng đến khám chữa bệnh tại cơ sở y tế không đúng với nơi đăng ký ban đầu mà không có giấy giới thiệu chuyển viện lên bệnh viện tuyến cao hơn. Ví dụ như trường hợp đăng ký khám chữa bệnh tại bệnh viện A thuộc tuyến huyện (hạng II, III), nhưng đi khám tại bệnh viện B tuyến Tỉnh (hạng I) thì được gọi là khám bảo hiểm y tế vượt tuyến.
1.4. Khám bảo hiểm y tế thông tuyến
Thực tế, không phải bất cứ lúc nào người dân cũng có thể khám, chữa bệnh BHYT theo đúng cơ sở khám, chữa bệnh đăng ký ban đầu, đặc biệt là với những người phải thay đổi nơi sinh sống vì lý do học tập hoặc làm việc. Do đó, để tạo điều kiện cho người dân được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của mình, khoản 4 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014 nêu rõ: Từ ngày 01/01/2016, người tham gia BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh với mức hưởng như khi khám, chữa bệnh đúng tuyến.
Như vậy, với quy định này, có thể hiểu, thông tuyến bảo hiểm y tế là việc người bệnh đi khám, chữa bệnh tại bất cứ trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện (cùng tuyến với nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu) nào trên cùng địa bàn tỉnh đều được hưởng quyền lợi như nhau.
2. Mức hưởng khi khám bảo hiểm y tế đúng tuyến, trái tuyến, vượt tuyến, thông tuyến
2.1 Khám bảo hiểm y tế đúng tuyến
- Khám bảo hiểm y tế áp dụng thanh toán 100% chi phí đối với các trường hợp:
+ Trẻ em dưới 6 tuổi;
+ Người có công với cách mạng;
+ Đối tượng đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân;
+ Đối tượng khám chữa bệnh tại tuyến xã;
+ Trong trường hợp tổng chi phí 1 lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% so với mức lương cơ sở;
+ Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế liên tục 5 năm trở lên tính từ thời điểm đi khám chữa bệnh đúng tuyến và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế lũy kế trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.
- Khám bảo hiểm y tế áp dụng thanh toán 99% chi phí đối với các trường hợp:
+ Người thuộc hộ gia đình nghèo;
+ Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn;
+ Thân nhân của liệt sỹ;
+ Những người đang hưởng lương hưu, thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
- Áp dụng thanh toán 80% chi phí khi khám bảo hiểm y tế với trường hợp:
+ Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác không thuộc những đối tượng được hưởng trên (bao gồm cả người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện).
2.2. Khám bảo hiểm y tế trái tuyến, vượt tuyến
Khám bảo hiểm y tế trái tuyến, vượt tuyến được quy định như sau:
+ Khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện: 100% chi phí khám chữa bệnh theo phạm vi và mức hưởng quy định;
+ Khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến tỉnh: mức hưởng bằng 60% chi phí điều trị nội trú theo phạm vi và mức hưởng quy định;
+ Khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến trung ương: mức hưởng bằng 40% chi phí điều trị nội trú theo phạm vi và mức hưởng quy định.
2.3. Khám bảo hiểm y tế thông tuyến
Như đã phân tích, khi thông tuyến BHYT, người bệnh được khám, chữa bệnh tại bất cứ trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh với mức hưởng như khám, chữa bệnh đúng tuyến. Cụ thể theo khoản 1 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014 và Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì người bệnh được hưởng:
- 100% chi phí nếu là sĩ quan, hạ sĩ quan quân đội, công an nhân dân; người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới 6 tuổi; người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, tại xã đảo, huyện đảo…
- 100% chi phí với trường hợp chi cho một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở;
- 100% chi phí khi khám, chữa bệnh tại tuyến xã;
- 100% chi phí với người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến;
- 95% chi phí nếu là người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; thân nhân người có công với cách mạng, trừ cha/mẹ đẻ, vợ/chồng/con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ; người thuộc hộ gia đình cận nghèo;
- 80% chi phí với các đối tượng khác.
Đối với trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến có nghĩa là người bệnh tự đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh mà không có giấy chuyển tuyến của bác sĩ thì được thanh toán theo mức hưởng quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014, cụ thể:
- Trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều này theo tỷ lệ như sau, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này:
- a) Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;
- b) Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trong phạm vi cả nước;
- c) Tại bệnh viện tuyến huyện là 70% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2015; 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.
Do đó, khi bạn tham gia bảo hiểm y tế đi điều trị nội trú trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh sẽ được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán với mức là 60% chi phí khám chữa bệnh nằm trong danh mục được quỹ bảo hiểm y tế chi trả. Tuy nhiên, khám bệnh, điều trị ngoại trú trái tuyến tại bệnh viện tỉnh sẽ không được quỹ bảo hiểm y tế chi trả.
3. Cách sử dụng thẻ bảo hiểm y tế
Đối với thẻ BHYT bản giấy thường thấy, trên mặt thẻ ghi nhận những thông tin như mã thẻ, họ và tên người hưởng chế độ bảo hiểm y tế, giới tính, địa chỉ, nơi đăng ký khám chữa bệnh, giá trị sử dụng,.. Trong đó, Mã thẻ bảo hiểm y tế thể hiện đầy đủ các thông tin trong 15 ký tự chia thành 4 ô bao gồm: Đối tượng tham gia BHYT (2 ký tự đầu trong ô thứ nhất); mức hưởng BHYT (ký hiệu bằng số từ 1 – 5 trong ô thứ hai); mã tỉnh/thành phố nơi phát hành thẻ BHYT (ký hiệu bằng số từ 01 – 99 trong ô thứ ba); số định danh cá nhân của người tham gia (10 ký tự cuối trong ô thứ tư).
4. Căn cứ Pháp lý
- Luật khám, chữa bệnh 2009;
- Luật Bảo hiểm y tế 2008;
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế 2014;
- Nghị định số 146/2018 hướng dẫn Luật bảo hiểm y tế;
=> Văn bản hợp nhất Luật Bảo hiểm y tế: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bao-hiem/Van-ban-hop-nhat-28-VBHN-VPQH-2020-Luat-Bao-hiem-y-te-468939.aspx
5. Tổng hợp văn bản hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế mới nhất năm 2023
- Nghị định 70/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu.
- Thông tư 40/2015/TT-BYT quy định đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
- Nghị định 30/2016/NĐ-CP quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
- Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm y tế.
- Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
- Công văn 627/BYT-BH năm 2021 về hướng dẫn thực hiện quy định tại Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế.
- Thông tư 20/2022/TT-BYT về Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.
- Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế (có hiệu lực từ ngày 03/12/2023).